CAO HUYẾT ÁP

Chế độ ăn uống phòng chống cao huyết áp

  • Cập nhật : 01/07/2015

Cao huyết áp (CHA) là một căn bệnh thầm lặng nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Bệnh có thể diễn tiến qua thời gian dài mà không có biểu hiện gì cụ thể. Có đến trên 1/3 số người bị CHA mà không biết mình bị bệnh. Do đó, việc tìm hiểu những nguy cơ và thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng chống CHA.

Ăn ít muối giúp giảm áp huyết

Một nghiên cứu của Viện Tim, Phổi và Huyết học Quốc gia ở Mỹ, liên quan đến những chế độ ăn uống ngăn chặn CHA DASH (dietary approaches to stop hypertension) đã cho thấy, chỉ cần ăn giới hạn muối trong khoảng 1,5g/ngày sẽ làm giảm đáng kể huyết áp ở cả 2 nhóm người, nhóm ăn theo chế độ thông thường cũng như nhóm ăn theo chế độ kiểm soát huyết áp. Càng ăn ít muối huyết áp càng thấp. Trong khi đó, một khảo sát gần đây đã cho biết, người Việt chúng ta đang có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người tiêu thụ từ 18- 22g mỗi ngày, trong khi lượng khuyến cáo không quá 5g. Người đang bị CHA chỉ nên ăn khoảng 2-3g mỗi ngày. Ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn, cần cẩn thận với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao.

Muối thường được đề cập trong chế độ ăn hàng ngày là muối ăn sodium chloride (NaCl). Tuy nhiên, có nhiều loại muối khác có cùng gốc sodium tồn tại trong các loại thức ăn, thức uống công nghiệp như: monosodium glutamate (bột ngọt), sodium citrate, sodium bicarbonate… cũng có tác hại tương tự NaCl khi dùng nhiều. Theo Drug Bulletin, FDA, cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ cho biết những loại nước ngọt có gas, các loại bia có hàm lượng Na còn cao hơn so với nhiều loại thực phẩm công nghiệp khác. Đừng quên các loại thuốc tiêu mặn, bột nở, bột nổi, loại bột làm sủi bọt cũng thuộc nhóm muối gốc Na.

Rau quả, ngũ cốc giúp giảm độ mỡ và điều hòa huyết áp


Chất xơ trong rau củ quả giúp giảm độ mỡ máu và điều hòa huyết áp

Nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau đều cho thấy, chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lức, bắp lức, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp. Các chất xơ, nhất là chất xơ tan trong nước, có khả năng hút nước và trương nở lên đến 8-10 lần trọng lượng ban đầu, qua đó có thể kết dính và đào thải nhiều cặn bã và chất độc hại ra khỏi cơ thể. Đặc biệt, chất xơ cũng thu hút những acid mật do cơ thể sản sinh ra để tiêu hóa các chất béo và đào thải chúng ra ngoài theo đường ruột. Điều này buộc cơ thể huy động đến kho dự trữ cholesterol ở gan để tạo ra những acid mật mới dẫn đến hạ độ cholesterol. Những nghiên cứu của các bác sĩ Michael Murray, Joseph Pizzorno và Dean Ornish, những nhà khoa học về liệu pháp dinh dưỡng đối với bệnh tim mạch đều khẳng định chế độ ăn nhiều chất xơ giúp giảm mạnh các chứng CHA và ngăn chặn hiệu quả các cơn đau tim. Ngoài chất xơ và những vi chất khác, ăn nhiều rau quả giúp bảo đảm chế độ nhiều potasium (kali) và ít sodium, yếu tố vô cùng quan trọng việc ổn định huyết áp. Người ta cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ CHA rất thấp (chỉ khoảng 1%) ở thời sơ khai và những người ăn chay là do họ ăn nhiều rau quả. Nhiều loại rau quả như: khoai tây, bơ, dưa hấu, đậu nành có lượng kali rất cao. Đặc biệt, chuối còn có tỷ lệ potassium/sodium cực cao (396/1). Do đó, chuối có tác dụng rất tốt trong việc hạ huyết áp và chống đột quỵ. Lượng potassium cao còn giúp bù trừ lại phần nào khuynh hướng ăn vào lượng muối nhiều hơn khuyến cáo.

Ăn nhiều cá, hải sản, giảm các loại thịt đỏ

Thịt và mỡ động vật, nhất là các loại thịt đỏ như: thịt heo, thịt bò và các loại sữa và trứng có hàm lượng mỡ bão hòa cao là nguồn gốc phát sinh ra các chứng xơ vữa. Do đó, các nhà khoa học khuyên nên chuyển dần chế độ ăn nhiều thịt sang ăn nhiều cá và đạm thực vật.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên chỉ nên giới hạn khẩu phần chất béo trong khoảng 30% năng lượng ăn vào hàng ngày. Theo TS. Dean Ornish, một nhà tim mạch học nổi tiếng thế giới về phương pháp “đảo ngược bệnh tim mạch” bằng liệu pháp tự nhiên, những người bệnh tim không nên ăn quá 10% chất béo. Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như: hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân. Acid béo omega-3 trong cá và các loại hạt có tác dụng làm hạ cholesterol xấu, tăng lượng cholesterol tốt và giảm nguy cơ máu đông. Những loại hạt này còn có nhiều loại khoáng chất cần thiết để điều hòa huyết áp như: magie. Ngược lại, thịt và trứng có nhiều chất mỡ bão hòa làm gia tăng lượng cholesterol xấu (LDL), đồng thời làm giảm lượng cholesterol tốt (HDL) có khả năng làm sạch lòng mạch.

Các loại đậu, nhất là đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành với nhiều chất xơ, chất khoáng và những chất chống oxy hóa là một nguồn chất đạm và chất béo lý tưởng cho phòng chống CHA.

Ngoài ra, ăn vài tép tỏi trong mỗi bữa ăn có tác dụng kiện tỳ, giải độc, tăng cường lưu thông khí huyết, hỗ trợ làm hạ huyết áp và cải thiện độ mỡ trong máu. Những người có khuynh hướng ăn nhiều thịt và mỡ động vật, thỉnh thoảng nên có chế độ ăn thanh lọc cơ thể. Có thể là nhịn ăn một buổi mỗi tuần và thay bằng uống nước trái cây. Theo BS. Frank Sacks, chuyên gia Dinh dưỡng Trường Đại học Y Harvard: “Chỉ cần không ăn thịt và những sản phẩm từ sữa vài lần mỗi tuần. Nếu mọi người đều làm được điều này, tỷ lệ bệnh tim mạch sẽ giảm đáng kể”.

Thường ăn canh mộc nhĩ, khổ qua cũng có tác dụng rất tốt để giải độc, cải thiện độ mỡ trong máu và làm hạ huyết áp. Mộc nhĩ đen hoặc trắng 12g, khổ qua (mướp đắng) 50g, đậu phụ 200g. Thêm gia vị vừa đủ, nấu canh ăn hàng ngày.

Ngoài ra, người CHA được khuyên không nên hút thuốc, uống rượu. Hút thuốc làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và làm giảm lượng oxy cần thiết đến các tế bào và các cơ quan. Đối với rượu, nhiều nghiên cứu gần đây đều cho thấy, mỗi ngày dùng khoảng 100g rượu vang đỏ sẽ có lợi cho hoạt động của hệ tim mạch.

Nói chung, trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cần tìm đến những biện pháp cấp cứu của y học hiện đại. Tuy nhiên, việc điều trị căn cơ và tận gốc bệnh CHA phải dựa vào một lối sống lành mạnh gồm: chế độ ăn uống hợp lý, vận động đều đặn và thực hành thư giãn.

Lương y VÕ HÀ // Sức khỏe & Đời sống

Trở về

Xem thêm

  • Người bị cao huyết áp nên ăn gì?1

    Người bị cao huyết áp nên ăn gì?

    Khi bị cao huyết áp (CHA), ngoài uống thuốc ra, việc lựa chọn một chế độ ăn khôn ngoan và thích hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

  • Điều trị bệnh tiểu đường , cao huyết áp với sinh tố2

    Điều trị bệnh tiểu đường , cao huyết áp với sinh tố

    Tiểu đường và cao huyết áp là những căn bệnh phổ biến  trong xã hội hiện nay. Những biến chứng của chúng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vậy làm sao để phòng tránh, ngăn ngừa bệnh? Những người mắc bệnh tiểu đường có chế độ ăn uống kiêng khêm khá nghiêm ngặt.

  • Kiểm soát huyết áp cao ở phụ nữ khi mang thai3

    Kiểm soát huyết áp cao ở phụ nữ khi mang thai

    Huyết áp cao ở các phụ nữ khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Nó là một trong 3 nguyên nhân thường gây tử vong cho mẹ. Khi mang thai đến tuần lễ 20, ở người phụ nữ thường hay xuất hiện tình trạng cao huyết áp, phù và đạm trong nước tiểu.

Bài cùng chuyên mục

Tinsuckhoe.com- Ads demo