Khi bị cao huyết áp (CHA), ngoài uống thuốc ra, việc lựa chọn một chế độ ăn khôn ngoan và thích hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Kiểm soát huyết áp cao ở phụ nữ khi mang thai
- Cập nhật : 01/07/2015
Huyết áp cao ở các phụ nữ khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Nó là một trong 3 nguyên nhân thường gây tử vong cho mẹ (cùng với xuất huyết và nhiễm trùng). Khi mang thai đến tuần lễ 20, ở người phụ nữ thường hay xuất hiện tình trạng cao huyết áp, phù và đạm trong nước tiểu. Tình trạng này còn gọi là tiền sản giật vì có nguy cơ xảy ra sản giật gây nguy hiểm cho mẹ.
->> Bỗng dưng tụt huyết áp!!!
->> Bệnh huyết áp thấp và những điều cần biết
->> Bệnh cao huyết áp và những điều cần biết
Một phụ nữ bình thường khi mang thai có huyết áp bằng hoặc trên 140/90mm Hg được gọi là cao huyết áp. Nên đo sau nằm nghỉ 15 phút, đo hai lần cách nhau sáu giờ.
Cao huyết áp có thể do nguyên nhân độc lập với tình trạng mang thai hoặc nguyên nhân do thai. Dù là nguyên nhân nào, cao huyết áp cũng là dấu hiệu của một thai kỳ nguy cơ cao có thể gây tử vong cho mẹ và con. Cao huyết áp có thể có sẵn trước lúc mang thai hoặc có sẵn và nặng thêm khi có thai, thậm chí chỉ xuất hiện khi có thai nếu đi kèm với phù và đạm niệu (có đạm trong nước tiểu) tạo nên một bệnh cảnh đặc biệt trong sản khoa gọi là hội chứng tiền sản giật – sản giật.
Tiền sản giật thường gặp ở con so nhỏ tuổi hoặc con so lớn tuổi, xuất hiện ở tuần thứ 20 của thai kỳ, là nguyên nhân chính gây tử vong thai nhi, tử vong mẹ, thai chậm phát triển trong tử cung. Nguyên nhân chưa biết chính xác. Các yếu tố sau đây góp phần trong sự xuất hiện của tiền sản giật:
- Yếu tố di truyền.
- Yếu tố dinh dưỡng: dinh dưỡng kém hoặc mập phì.
- Nghiện thuốc lá.
- Bệnh tim mạch.
- Bệnh mạch – thận.
- Tiểu đường.
Tiền sản giật có thể dự phòng hoặc giảm bớt biến chứng nhờ khám thai tốt, chú ý các yếu tố thuận lợi đưa đến tiền sản giật qua bệnh sử gia đình, bệnh sử nội khoa và bệnh sử thai kỳ lần này. Sản phụ cần khẩu phần ăn nhiều đạm, calo, không ăn mặn quá nhưng cũng không quá hạn chế muối và nước. Cần tuân thủ việc điều trị tiểu đường nghiêm ngặt hoặc các bệnh nội khoa khác đang có sẵn. Sản phụ có thể nghỉ ngơi tại nhà nếu bệnh nhẹ, tự đếm cử động thai, tự theo dõi các dấu hiệu trở nặng như phù tăng, lên cân nhanh, nhức đầu nặng, mắt nhìn mờ, đau vùng gan, buồn nôn, ói nhiều.
Cần nhập viện ngay khi có một trong các dấu hiệu trên bởi thực tế lúc nào tiền sản giật biến thành sản giật khó đoán trước được. Nếu xảy ra sản giật, sản phụ có thể rơi vào hôn mê, phù não, xuất huyết não, phù phổi cấp, suy tim, bong nhau non gây tử vong cho mẹ và con.
Việc điều trị tùy thuộc phần lớn vào mức độ trầm trọng của bệnh và tuổi thai. Chủ yếu là hạ huyết áp, điều chỉnh các rối loạn về huyết học, chức năng gan, thận, cắt cơn giật nếu có. Có thể giúp sinh hoặc mổ lấy thai nếu cần chấm dứt nhanh thai kỳ. Đối với các sản phụ đã có biến chứng của cao huyết áp như tim to, suy tim, thiếu máu cơ tim, suy thận thì nên chấm dứt thai kỳ sớm vì bệnh chỉ mất đi khi không còn mang thai trong tử cung.
Sau sinh 1-2 tuần, các triệu chứng của tiền sản giật và sản giật tự nhiên biến dần. Nếu huyết áp chậm trở về bình thường, cần tiếp tục điều trị nội khoa.
Các bác sĩ khoa sản Mỹ đã đưa ra những lời khuyên giúp kiểm soát huyết áp trước và trong khi mang thai bao gồm:
1. Hợp tác cùng bác sĩ lên kế hoạch kiểm soát huyết áp;
2. Trước khi mang thai, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vận động nhẹ nhàng và giảm cân ở mức hợp lý;
3. Dùng thuốc liên quan tới huyết áp trước khi mang thai;
4. Nên hỏi ý kiến bác sĩ liệu những loại thuốc bạn đang dùng có an toàn hay không;
5. Đi khám sức khỏe định kỳ trong suốt thời gian mang thai để kiểm tra huyết áp;
6. Thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất cứ vấn đề gì về bệnh thận;
7. Hãy báo bác sĩ biết ngay nếu bạn nhận thấy có dấu hiệu của tiền sản giật, huyết áp tăng cao trong thời gian mang thai.